Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Nhiều công trình cấp nước tập trung ở ĐBSCL bị nhiễm mặn

Theo Trung tâm Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có khoảng 3.903 công trình cấp nước tập trung đang hoạt động, trong đó có 145 công trình cấp nước bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, chiếm 3,72% tổng số công trình cấp nước tập trung đang hoạt động.

Theo Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, do xâm nhập mặn và hạn hán ảnh hưởng lớn đến chất lượng nước cấp, nguồn nước cấp bị cạn kiệt và nhiễm mặn; người dân trong khu vực phải đi lấy nước ở cách xa nhà (10 - 20 km) hoặc lấy nước từ vùng khác về sử dụng. Giá nước trung bình trong vùng dao động từ 2.500 - 4.600 đồng/m3. Tuy nhiên, vào các tháng mùa khô hạn, giá nước tại các tỉnh tăng mạnh, điển hình như tỉnh Kiên Giang giá nước từ 25.000 - 30.000 đồng/m3; tại Bến Tre 30.000 - 60.000 đồng/m3; Cà Mau 20.000 - 50.000 đồng đồng/m3.

Theo dự báo của Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam, vùng ĐBSCL sẽ có các diễn biến xấu về xâm nhập mặn, đặc biệt là vào các tháng 3, tháng 4 và kể cả tháng 5 nếu không có mưa. Vào các tháng này, những vùng cách 45 - 50 km ra biển, mực nước có thể bị hạ thấp, dễ xảy ra xâm nhập mặn, làm cho khả năng thiếu nước sinh hoạt của người dân trở nên trầm trọng hơn.

Hiện vùng ĐBSCL có 3.903 công trình cấp nước tập trung đang hoạt động. Để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn hán, xâm nhập mặn, Trung tâm Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn yêu cầu các đơn vị, cá nhân quản lý, khai thác công trình cấp nước trên địa bàn các tỉnh rà soát, kiểm tra các công trình cấp nước, chủ động tu bổ, sửa chữa các sự cố hư hỏng; theo dõi để điều chỉnh chế độ lấy nước và vận hành công trình; thường xuyên trực sẵn sàng cho việc cấp nước phục vụ sinh hoạt của người dân…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét